Tiếp tục bàn về khái niệm information literacy

Xin được trích dẫn lại nội dung đã trao đổi trên diễn đàn Thông tin – Thư viện Việt Nam (vietnamlib.net)

Khái niệm information literacy (IL) hiện nay thậm chí vẫn còn chưa được thống nhất trên toàn thế giới. Việc khái niệm hóa, thay vì xác định một khái niệm chuẩn toàn cầu, nay đã trở thành việc xác định nội hàm cho từ information literacy dựa trên điều kiện và đặc thù về văn hoá – xã hội – giáo dục của mỗi quốc gia hay tổ chức đang triển khai phát triển IL trong cộng đồng của mình.

Thực chất, IL là một khái niệm mang tính chất liên ngành (thông tin thư viện và giáo dục), do đó việc chuẩn hóa nó càng trở nên phức tạp và không nên có một khái niệm chuẩn tuyệt đối cho toàn cầu. Lí do đơn giản là vì đặc thù văn hóa và triết lý giáo dục của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội hàm của khái niệm IL mà quốc gia, tổ chức đó dự định áp dụng.

Cá nhân tôi có lẽ cũng hơi chủ quan khi dùng từ “Năng lực thông tin”, tuy nhiên tôi muốn qua đó khơi nguồn cho việc trao đổi và thảo luận để cộng đồng chúng ta xây dựng một khái niệm IL cho riêng mình. Tuy nhiên, mình mong muốn cộng đồng sẽ ủng hộ từ này thay vì từ “Kiến thức thông tin”.

Giải thích hai từ này chắc sẽ là một bài viết cũng khá dài, xin tạm thời trích dẫn định nghĩa ngắn gọn trong Từ điển tiếng Việt về hai từ này:

  • Năng lực: dt (H. lực: sức) Khả năng làm việc tốt, nhờ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn
  • Kiến thức: dt. Điều hiểu biết do tìm hiểu, học tập mà nên

Do đó cần thấy:

1) IL không chỉ là kỹ năng tìm kiếm thông tin. Một cách ngắn gọn: nếu coi thông tin như một nguồn tài nguyên của nền giáo dục hay của sự phát triển xã hội nói chung, thì IL chính là tập hợp các nội dung (kiến thức, kỹ năng, hành vi/đạo đức sử dụng …) nhằm giúp người học/công dân tận dụng được tối đa giá trị sử dụng của thông tin trong bối cảnh hoạt động của mình (học tập – làm việc – nghiên cứu). IL chính là một công cụ đặc biệt quan trọng đảm bảo khả năng học tập suốt đời của mọi người.

2) IL không phải là vấn đề của riêng thư viện. Mà là vấn đề của cả các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách xây dựng nguồn nhân lực (ở mọi cấp độ).

3) Không chỉ dừng lại ở “khả năng, phẩm chất và trình độ chuyên môn” mà người có năng lực thông tin còn thể hiện ở hành vi sử dụng thông tin (có đạo đức, đúng pháp luật).

Chính vì thế, IL nên được gọi là “Năng lực thông tin”. IL phải được coi là một trong những phẩm chất của người công dân trong xã hội mới – người công dân có năng lực thông tin.

Về phần mình, các thư viện sẽ góp phần đảm bảo về mặt kỹ năng thông tin cho người dùng tin. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa thư viện và các cơ quan, tổ chức giáo dục trong việc phát triển IL là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của các chương trình phát triển IL.

Điều đó khiến chúng ta không nên khu biệt khái niệm IL trong bối cảnh của các thư viện, mà cần nhìn nhận nó trong tính chỉnh thể, qua đó những người làm thư viện hiểu rõ được vai trò của mình, đồng thời có sự chuẩn bị và sẵn sàng cho các hoạt động phối kết hợp với các nhà sư phạm – giáo dục.

Xin mời mọi người tiếp tục cho ý kiến và thảo luận.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Scroll to top