“Cảm ơn”, “xin lỗi”, và “tuyệt vời”!

Đấy là 3 từ có lẽ người Úc nói nhiều nhất (“Thank you”, Sorry, và Excellent/Very good). Ngắn gọn, giản dị vậy thôi, nhưng nó là cả một triết lý sống, một phong cách sống đáng để chúng ta cùng suy ngẫm. Đó là câu chuyện về sự tôn trọng (thank you), lòng cảm thông (sorry), và tinh thần khuyến khích những người xung quanh (encouragement).

Nếu bạn đã từng có thời gian sống ở Úc (tôi nói thế vì Úc là nước phương Tây duy nhất mà tôi từng sống và học tập), bạn sẽ cảm nhận rõ điều này. Từ việc nói lời cảm ơn tới người tài xế xe bus khi bạn bước ra khỏi xe, đến những lời cảm ơn nơi lớp học, công sở, siêu thị, thái độ tôn trọng lẫn nhau được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Cán bộ thư viện sau khi làm thủ tục cho mượn sách xong cũng không quên nói lời cảm ơn bạn đọc. Nhân viên hành chính cảm ơn khách hàng vì đã hợp tác để giải quyết công việc (cho khách hàng) một cách nhanh chóng. Một bước chân dừng lại để nhường đường cho người bên cạnh cũng rất xứng đáng nhận một lời “cảm ơn”. Đến bé Thế Vinh của gia đình chúng tôi, hiện 3 tuổi 4 tháng và đang theo học mẫu giáo ở đây, sau khi bố mẹ cho một món quà, hoặc giúp bé một việc gì, bé cũng biết nói “thank you” như một bản năng. Và, như một lẽ tự nhiên, đi kèm với “thank you” bao giờ cũng là một nụ cười trên môi. Cuộc sống sao mà đáng yêu đến thế, khi mà chẳng mất gì công sức, tiền bạc, ta vẫn đem đến cho nhau hàng ngàn thang thuốc bổ – ấy là nụ cười và sự tôn trọng.

“Sorry” (xin lỗi, rất tiếc) là cách bày tỏ sự cảm thông, hay sự sẵn sàng nhận phần sai về mình trong giao tiếp hàng ngày. Hai người đi ngược chiều nhau, vì một lí do nào đó suýt chạm vào nhau, may mắn họ tránh được, nhưng gần như đồng thanh, cả hai cùng “sorry”, rồi mỉm cười với nhau và đi tiếp. Khi nghe thấy một câu chuyện buồn của ai đó, người ta sẵn sàng chia sẻ bằng “I’m sorry” (tôi rất lấy làm tiếc). Hồi vợ chồng chúng tôi qua Úc, sau khi để Hải quan mở vali kiểm tra (như một thủ tục hành chính mà bất kỳ người nào vào đất Úc đều phải thực hiện), chúng tôi cũng nhận được một lời xin lỗi: “Xin lỗi vì đã làm phiền ngài và gia đình”. Lại tiếp đến câu chuyện thư viện. Còn nhớ lần tôi làm ở một chi nhánh thư viện công cộng trong một khu mua sắm lớn. Hôm đó có 2 team leaders (trưởng nhóm – tương đương với trưởng chi nhánh ở nhà mình) cùng làm việc. Một khách hàng đến và có việc cần giải quyết. Oái ăm, đó là công việc mà chỉ một người duy nhất trong 2 team leaders kia có thể giải quyết. Không may, người có thể giải quyết được việc thì lại đang bận điện thoại (với giám đốc thư viện). Người còn lại (chứ không phải là một nhân viên như mình nhé) thấy thế đến gặp khách hàng: Sorry, bà có thể vui lòng chờ 1 phút? Ok, người khách vui vẻ ngồi chờ. Một phút trôi qua, cuộc điện thoại kia chưa kết thúc (có vẻ là 1 cú điện thoại quan trọng, vì dù biết có khách hàng đang đợi, anh ta vẫn không dứt ra được). Người team leader thứ 2 kia thấy thế bèn tiếp tục đến gặp bà khách hàng: “Một lần nữa rất xin lỗi bà, nếu bà không phiền, chúng tôi xin được mời bà một tách cà phê ở quán cafe ngay cạnh đây, xong việc chúng tôi sẽ sang mời bà quay lại làm việc”. Dĩ nhiên, vị khách hàng kia không thể giận giữ hay từ chối một lời xin lỗi “đáng yêu” đến thế. Xa hơn nữa là chuyện Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã mạnh dạn thay mặt chính phủ – trực tiếp và qua truyền thông đại chúng – nói lời xin lỗi tới những người thổ dân Úc về một “thế hệ bị đánh cắp” xuất phát từ những chính sách sai lầm của các chính phủ trước đó. Không hề cảm thấy một sự gượng ép nào khi người ta nói lời xin lỗi, bởi nếu đó là cách thể hiện thái độ cầu thị, sự mong muốn mọi việc tốt đẹp hơn, thì tại sao lại phải ngại ngần nhỉ. “Xin lỗi” cũng là một nét văn hóa cần phải được trân trọng!

Khi sống và học tập ở Úc, bạn chắc chắn nhận được rất nhiều những từ mang sắc thái động viên, khuyến khích như: wonderful, excellent, fantastic (tuyệt vời), very good (rất tốt), brilliant (xuất sắc) … Bạn cũng sẽ hơi băn khoăn vì thực chất kết quả những việc mình làm đâu xứng đáng với những từ như thế. Nhưng người Úc (và có lẽ văn hóa phương Tây) là như thế. Họ không kiệm lời khi dành cho nhau những lời tốt đẹp. Bạn đừng cho rằng đó là những sáo ngữ. Đơn giản, đó là những lời động viên, sự thừa nhận thành quả công việc của những người khác. Kết quả công việc của bạn dù thế nào, thì sau những nỗ lực bạn đã làm, bạn xứng đáng được thừa nhận, được động viên. Nghe xong những từ như thế, ta thấy nhẹ nhõm trong lòng, ít nhất thì ta cũng đã làm đúng, đã được một ai đó nhìn nhận. Vậy thôi, nhưng rõ ràng nó đem đến nó ta niềm vui và lòng ham muốn thực hiện những công việc tiếp đó cũng như, sẵn sàng đối mặt với những thử thách phía trước.

Chỉ ba từ giản dị vậy thôi, nhưng nếu ta biết hào phóng và thành tâm sử dụng chúng, chúng sẽ làm cho cuộc sống của ta và những người xung quanh đáng yêu hơn nhiều, ý nghĩa hơn nhiều!

(Bài viết từ năm 2009)

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Scroll to top