Bạn đã từng trực tiếp kiểm nghiệm thông tin, gặp/trao đổi trực tiếp những người cung cấp thông tin, hoặc bạn có thông tin về mức độ uy tín của “toàn soạn báo” vốn là chủ nhân của thông tin mà bạn sẽ chia sẻ? Chỉ cần một trong các câu trả lời là “chưa” hoặc “không”, xin vui lòng không share những đường link vô bổ và có thể gây hại cho chính bạn và người thân của bạn.
Bởi lẽ ….
Bạn đang bị “dắt mũi”
Có một nghề trên thế giới mạng mà những người dùng Internet thông thường không biết: nghề seeding, những người làm nghề này được gọi là seeder. Công việc chính của các seeder là định hướng cộng đồng tới các website, trang mạng xã hội hoặc đâu đó trên Internet cần sự quan tâm và truy cập của nhiều người. Họ được chủ của các website trả tiền (thậm chí nhiều tiền) để làm việc này. Lí do? Các website có lượng truy cập lớn sẽ có giá trị quảng cáo lớn, đem lại lợi ích lớn cho chủ website (những người thuê seeder).
Thông thường, các seeders sẽ share (chia sẻ) một đường link – liên kết (dẫn đến website mà họ được thuê để “dẫn lối” người dùng) trên trang cá nhân của họ, trên trang cá nhân của bạn bè họ, và trên các diễn đàn, nhóm, hội trực tuyến có đông người tham gia để lôi kéo mọi người click vào link. Mỗi cú click của bạn tới link đó, chưa nói việc máy tính của bạn có thể bị cài phần mềm gián điệp, đều đem đến lợi ích nào đó cho seeders, cho dù bạn có đọc hay không đọc thông tin từ link đó.
Các link mà các seeders dùng làm “mồi nhử” thường là các nội dung “nóng”, được nhiều người hoặc dư luận xã hội đang quan tâm (tiêu cực trong thi cử, giá xăng, Trung Quốc và biển Đông …), các nội dung liên quan đến sức khỏe mà ai cũng muốn tìm hiểu tường tận (về các căn bệnh nguy hiểm, về các bài thuốc “tiên”, về việc chăm sóc con cái …), hay các nội dung mà giới trẻ rất tò mò (tình dục, tình yêu, tình … thù).
Chất lượng của thông tin từ các đường link đó sẽ trao đổi ở phần sau. Một điều chắc chắn: bạn đang làm việc không công cho một nhóm người!
Bạn đang mạo hiểm với sự an toàn của mình, gia đình và bè bạn
Trong khi hàng trăm phòng thí nghiệm lớn nhỏ trên toàn thế giới, mất hàng vài thập kỷ, tiêu nhiều triệu đô la, chưa tìm ra được phương thuốc hữu hiệu cho một loại bệnh nào đó (đái đường, ung thư, viêm gan …), thì ở Việt Nam, hàng trăm ông lang, bà lang, hàng trăm “bài thuốc kỳ diệu” chưa từng được kiểm nghiệm bằng các phương pháp khoa học, thông qua các “nhà báo”/người đưa tin, đã chứng minh cứu vớt hàng triệu người. Bạn tin được không?
Trong khi hàng trăm trường đại học, hàng nghìn nhà khoa học, mất không biết bao nhiêu thời gian để đưa ra một nhận định về xu thế kinh tế, xã hội hay đánh giá về một hiện tượng xã hội, thì chỉ sau một sớm mai tỉnh giấc, hàng trăm nhà báo/người đưa tin thiên tài, kiêm các nhà xã hội học, kinh tế học, quản lý học, dân số học, tình dục học … đã đưa ra những nhận định “hết hồn”, làm dư luận dậy sóng. Bạn thấy có vấn đề gì không?
Trong khi bạn đang sống vui, sống khỏe với những nếp sinh hoạt đã có từ “bao đời”. Bỗng đâu, bạn thấy một “công trình” nói rằng bạn làm như thế hoàn toàn sai, thậm chí đã tự “kết án tử hình” cho mình. Thế rồi “ăn cái này bạn sẽ …”, “kết hợp món này với món kia bạn sẽ …”, “ăn món này con bạn sẽ thành thiên tài …” ….. Có cảm giác như những “công trình nghiên cứu” về thực phẩm dinh dưỡng được sản sinh dễ như trở bàn tay và ai cũng làm được. Bạn thấy ok chứ?
Bạn có nghĩ các nhà báo/người đưa tin có riêng phòng thí nghiệm của họ, thử nghiệm thuốc/đồ ăn trên động vật, thực hiện các quy trình xét nghiệm, thử nghiệm lâm sàng, thông qua các hội đồng y đức, thử nghiệm nhóm nhỏ, thực hiện các quy trình về đảm bảo an toàn sức khỏe cho người, trước khi “phát minh” hoặc “công bố” một loại “thần dược” hay thực phẩm dinh dưỡng?
Bạn có nghĩ các nhà báo/người đưa tin có đủ thời gian, tiền bạc, phương pháp khoa học để thu thập số liệu đủ lớn, phân tích số liệu đủ sâu, thử nghiệm số liệu trên đủ các đối tượng và bối cảnh, và đặc biệt là có đủ chuyên môn để đưa ra những nhận định “bom tấn” về các vấn đề kinh tế, giáo dục, xã hội?
Ngần ấy câu hỏi đã đủ để bạn nhận thấy sự cẩn trọng trong tiếp cận và chia sẻ thông tin trên Internet?
Tất nhiên, «Share» hay không, tùy bạn.
(Ảnh: motthegioi[.]vn)