Chuyển trường, chuyển một cách nghĩ

Không biết có phải là tình cờ, cơ duyên, hay là kết quả của sự suy ngẫm được hiện thực hóa nhờ một cú hích lớn của một sự kiện lớn (1), quyết định thay đổi môi trường học tập cho Thế Vinh được bố mẹ cháu “chốt” cùng với dịp cả nước “nô nức” với kỳ thi tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực của ĐHQGHN.

Đó là quyết định chuyển việc học tập của Thế Vinh từ mô hình đào tạo truyền thống (trường công), hướng chủ yếu vào trang bị kiến thức, sang mô hình đào tạo (tạm gọi) “phi truyền thống” (trường tư thục), hướng phát triển “đều đều” cả 3 yếu tố theo mô hình A.S.K (2) Thái độ/hành vi (A); Kỹ năng (S); Kiến thức (K).

Theo mô hình A.S.K, kiến thức (knowledge) chỉ mới là 1/3 các yếu tố tạo nên năng lực của mỗi cá nhân. Không dám nói môi trường truyền thống là không giúp trẻ phát triển hai món A và S, nhưng rõ ràng ở môi trường này, việc “nhồi” kiến thức cho trẻ gần như là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu (nếu như không muốn nói là duy nhất). Các môn học “phụ” (Tự nhiên-Xã hội; Âm nhạc, Hội họa, tiếng Anh …) đúng chỉ mang tính chất hoa lá cành, chiếu lệ, hầu như trẻ không học được là bao. Những kỹ năng mềm trẻ có được hoặc năng khiếu trẻ phát huy được chủ yếu do gia đình “tự đào tạo” thông qua gửi trẻ đi học thêm hoặc rèn rũa ở bên ngoài trường (3). Thậm chí, ngay ở mảng K (kiến thức), ít có trẻ nào có thể “đoạt” các giải học sinh giỏi hay được xem là học sinh giỏi toàn diện nếu chỉ học duy nhất với thầy cô trên lớp theo đúng thời khóa biểu của nhà trường. Các cháu đều phải học thêm (chủ yếu là các môn “chính”) rất vất vả (4).

Xu thế đánh giá khả năng học tập, phát triển của mỗi cá nhân dựa trên năng lực không có gì mới ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là cả một câu chuyện lớn. Yếu tố truyền thống và xu thế kể trên phản ánh sự khác nhau giữa quan điểm đào tạo kiểu khoa cử (5) và quan điểm đào tạo lấy phát triển cá nhân làm trung tâm, hướng vào việc tạo dựng khả năng thích ứng của cá nhân trong các bối cảnh sống, học tập và lao động khác nhau trong tương lai.

Câu chuyện ở đây là ngay bản thân các cháu và bố mẹ các cháu có sẵn sàng cho một sự thay đổi?

Câu chuyện ở đây không phải là vào học ở trường với mức thu học phí ngất ngưởng (tư thục hoặc quốc tế gì đó) để các cháu được chơi nhiều hơn, chăm nhiều hơn, và đặc biệt là bố mẹ đỡ “nhức” đầu hơn. Không phải thế!

Câu chuyện ở đây là sự thay đổi về cách nhìn nhận trong giáo dục con cái!

Và bố mẹ cháu quyết định chuyển (môi) trường học (tập) cho cháu! Một trường học mà bố mẹ cháu nghĩ đã có sự khác biệt trong cách tiếp cận về dạy và học, ít nhất là không có nhiều sự toan tính khoa cử và chú trọng cho trẻ được chơi, học, trải nghiệm ở nhiều bộ môn, nhiều bối cảnh dạy – học khác nhau. Một môi trường mà bố mẹ cháu nghĩ cháu sẽ có nhiều thời gian hơn (do áp lực tích lũy kiến thức giảm đi) cho những gì thực sự thuộc về trẻ thơ.

Môi trường mới có thể chưa như bố mẹ cháu trông đơi, và quyết định này có nghĩa là:

– Cơ hội để Thế Vinh thi và đoạt các giải “thi học sinh giỏi” truyền thống gần như không còn nữa;

– Cơ hội để Thế Vinh vào các trường chuyên, lớp chọn truyền thống gần như không còn nữa;

– và đặc biệt, “Màng túi” của bố mẹ cháu bị viêm nặng.

Nói như thế để tạm kết luận là bố mẹ cháu phải “dũng cảm” gạt bỏ cái tư tưởng “nhìn con nhà người ta” để tập trung vào việc “hiểu con nhà mình”.

Nói như thế để thấy bố mẹ cháu kỳ vọng cháu trước hết phát triển trở thành một chàng trai tốt, khỏe mạnh, biết thích nghi tôt, và có nền tảng kiến thức phù hợp.

Chưa nói trước được nhiều cho một sự khởi đầu mới. Nhưng thấy được sự manh nha về chuyển đổi thước đo đánh giá người học (mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang đi đầu với kỳ thi đánh giá năng lực vừa qua) tạo cho bố mẹ cháu một sự hy vọng và niềm tin về sự đúng đắn.

Mong con trai vui và tiến bộ trong môi trường học tập mới!

Hà Nội, những ngày hè nóng bỏng 😛

————

(1): ĐHQGHN tổ chức thi tuyển sinh thông qua đánh giá năng lực

(2) A.S.K là viết tắt của Attitude (thái độ/quan điểm); Skills (kỹ năng); & Knowledge (kiến thức)

(3): Dẫn tới trẻ bị quá tải do phải học thêm quá nhiều thứ

(4): Nhiều lúc đọc bài tập về nhà của các cháu, bố mẹ cháu tự hỏi không biết người ta dùng đề bài đánh đố kiểu này để giúp lũ trẻ con 9-10 tuổi để làm gì, bởi vì chúng không phù hợp về mức độ phát triển tư duy của trẻ ở độ tuổi tương ứng. Chỉ những trẻ được dạy thông qua bài tập mẫu, biết được mẹo mới giải được. Và khi thuộc “mẹo”, các bài toán khó kiểu này đối với các cháu trở nên quá dễ dàng, nó không kích thích sự đam mê tìm hiểu, khám phá của trẻ.

(5): Một đặc điểm nổi bật của nền giáo dục ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Scroll to top