Công bố quốc tế trong KHXH&NV

1. Công bố quốc tế thì với KHXHNV, KH tự nhiên, hay công nghệ đều khó như nhau (ở những đòi hỏi về chuẩn mực chất lượng). Tuy nhiên, với những đặc thù và đặc sắc ở nội dung nghiên cứu, các công trình khoa học XHNV của Việt Nam dễ có khả năng được trích dẫn cao hơn. Đó là lợi thế.

2. Thúc đẩy công bố trên ISI/Scopus không hẳn là vì phong trào, mà thực chất là hướng đến một chuẩn mực khoa học ở mức cao và một tinh thần học thuật đúng nghĩa. Gì thì gì, một ý tưởng KH, một công trình khoa học khi được tiếp nhận và phản biện ở một diện rộng hơn, đa chiều hơn sẽ được gọt giũa và có thể có tác động lớn hơn. Sản phẩm công bố được thẩm định, đánh giá bởi những học giả tầm cỡ, được cộng đồng nghiên cứu rộng lớn nhìn vào, thì ắt hẳn là một sản phẩm tốt, dùng được.

3. Hướng đến công bố quốc tế không nên hiểu là hướng ngoại và không có đóng góp thiết thực cho Việt Nam. Tác giả là người được lợi trước hết: Tầm ảnh hưởng rộng hơn (thông qua chỉ số trích dẫn), kiến thức vững vàng hơn (do được phản biện quốc tế), cách nhìn đa chiều hơn, network rộng hơn, thái độ làm việc chuyên nghiệp hơn. Từ đó mà những mối hợp tác quốc tế sẽ mở ra, những tiếng nói quốc tế sẽ đồng điệu hơn với Việt Nam trong những vấn đề lớn (vì quốc tế hiểu Việt Nam hơn). Như thế, tức là đất nước được hưởng lợi rất lớn rồi.

4. Nhưng cũng không nên lấy bài báo quốc tế làm mục tiêu của nghiên cứu khoa học. Bài báo là cái vỏ hình thức của kết quả khoa học. Tự thân một công trình khoa học có tính mới, có giá trị và tầm ảnh hưởng, được triển khai theo một hệ phương pháp khoa học và một tinh thần học thuật đúng nghĩa tự khắc sẽ có khả năng được đăng tải trên các tạp chí có uy tín. Xét đến cùng vẫn là câu chuyện nội dung công trình, phương pháp sử dụng trong công trình.

5. Trước khi hỏi tại sao có ý kiến cho rằng các công trình KHXH&NV của Việt Nam khó đăng quốc tế có lẽ nên bắt đầu từ câu hỏi: vấn đề nghiên cứu của mình có phải là vấn đề mà cuộc sống đang thực sự cần (hay chỉ là vấn đề mà mình đam mê)? có phải là vấn đề/xu hướng mà thế giới và VN đang quan tâm tập trung nghiên cứu hay chỉ là một phát hiện bột phát của cá nhân mình (tất nhiên, dù là riêng, nhưng nếu đủ vĩ đại thì lại phải theo đến cùng)? hệ phương pháp nghiên cứu dự kiến sử dụng có đảm bảo tính hiện đại và sự phù hợp? Nếu đa phần câu trả lời là ở vế trước, thì tôi nghĩ ta bấm nút submit được rồi

6. Ở góc độ kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học thì vấn đề công bố quốc tế lại càng quan trọng. Danh tiếng của trường đại học (và kéo theo đó là sức hút đối với tuyển sinh, sức hút đầu tư, xã hội hoá, sức hút đối với nhà khoa học trình độ cao của cơ sở giáo dục) phụ thuộc khá nhiều vào tầm ảnh hưởng, lan tỏa (ở cấp độ quốc gia, quốc tế) của các công trình nghiên cứu do các nhà khoa học của cơ sở giáo dục thực hiện. Đăng tải trên các hệ thống tạp chí quốc tế có uy tín chính là một trong những điểm mấu chốt cho sự lan toả và mở rộng tầm ảnh hưởng ấy.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Scroll to top