20-11, nhớ về bố mẹ

Nhớ nhất lần bị mẹ giận, 2 ngày liền, hồi nó học lớp 5. Liên quan đến việc lóng ngóng thế nào nó để mất 500 đồng mẹ đưa để mua rau. Về đã không có rau lại “động viên” mẹ: Con làm mất tiền rồi, có 500 đồng thôi mà mẹ. Mẹ không nói gì, mắt đượm buồn quay sang việc khác. Hai ngày liền mẹ không nói chuyện gì với nó. Thằng bé sợ, khóc lóc xin lỗi mẹ một hồi, mẹ chỉ nói rất nghiêm khắc một câu: con chưa làm ra được tiền, tại sao lại coi rẻ đồng tiền? Nó nhớ đời từ đấy!

Nó hồi xưa nhút nhát, nói năng lí nhí, hay bị bon xung quanh trêu ghẹo. Bố bảo: làm đàn ông con trai phải mạnh mẽ lên. Bắt đầu từ việc gặp người quen phải chào hỏi dõng dạc. Mùa hè lên cơ quan bố, đi đâu bố cũng dắt theo, bắt nó phải giao tiếp nhiều, nói chuyện nhiều. Hồi nó bé tẹo, các đêm giao thừa, bố yêu cầu nó thay bố cầm bánh pháo để đốt (tất nhiên nối với một cái gậy tre). Bố dạy nó sửa chữa điện đóm (vì bố là thợ điện), các đồ đạc trong nhà (bố lại kiêm thợ lắp máy) những thứ mà một thằng đàn ông trụ cột gia đình phải biết. Những kỹ năng gấp quần áo nó có cho tới bây giờ cũng là do bố dạy nó hồi lớp 4, lớp 5. Năm nó vào lớp 10, học ở trường trên tỉnh, ở ký túc xá, xa quê 30km. Hôm khai giảng, bố dắt nó đến cổng trường, chuyển hành lý vào rồi vội vã lên đường vào Nam công tác. Những thứ bố đã dạy, đã uốn nó bỗng dưng thật có ích. Nó chính thức tự lập từ năm lớp 10!

Từ hồi nó học lớp 1, mẹ đã dạy nó nấu cơm, từ cách nhồi bếp chấu, đến khi nào cơm sôi thì phải nhỏ lửa, đảo cơm như thế nào, rồi vùi tro bếp như thế nào để cơm chín tới. Lớp 1, nó đã biết giúp mẹ rửa bát, cơm nước. Hằng ngày, nó đã biết xách nước múc từ giếng thơi để đổ vào chum nước bên cạnh bếp, để chiều mẹ về có sẵn nước bếp núc, giặt giũ. Các mùa hè, nó được theo bố lên Thủy điện Sông Đà, chỗ bố công tác. Thế là nó cũng biết nấu nướng cơm nước giúp bố. 5 giờ chiều, khi đài phát thanh gióng lên mục “Mời các bạn nghe mục Điểm báo” là nó cơm nước xong xuôi, ra hành lang ngóng bố từ công trường trở về. Những tháng năm ấy đã giúp nó vững chãi và sống tự lập, từ việc học xa quê, xa nhà, đến khi sau này xa xứ nơi đất khách quê người.

Mẹ hay hát, thích hát và luôn sôi nổi. Bố đi công tác, mẹ ở nhà một mình cai quản 3 đứa nghịch như quỷ. Hiếm khi thấy mẹ buồn hay than thở, lúc nào cũng phơi phới. Nó học được từ mẹ sự lạc quan ấy. Bố trầm tĩnh và sâu sắc, viết thư cực hay. Bố chiều chúng nó, lần nào đi công tác về cũng mua đầy sách đầy truyện cho chúng nó. Anh em chúng nó từ bé đã đọc đủ các loại sách truyện (đông tây kim cổ đủ cả). Nhà lúc nào cũng ngập sách báo bố mang về. Nó đọc nhiều, hiểu nhiều, thích viết lách chính nhờ sự bền bỉ … mua sách của bố. Chúng nó trưởng thành hơn nhiều từ những trang sách bố mang về.

Hồi bé, nó và lũ em có một “thói xấu”, đó là hay đọc trộm thư của bố mẹ, đến mức sau này mẹ phải chiều cho chúng nó đọc trước khi mẹ đọc. Bố thường xuyên công tác xa nhà, vài ba tháng mới về một lần. Bố mẹ thường viết thư cho nhau. Nó chẳng thế nhớ được hết, chỉ biết rằng bố mẹ vô cùng yêu thương nhau. Xa nhà, bố nhớ từng chỗ trên mái nhà bị giột vào mùa mưa, dặn mẹ những khi đông về giá lạnh. Cái từ mà mẹ viết tắt là H.A.N ở cuối mỗi bức thư mãi sau này chúng nó mới hiểu là HÔN ANH NHIỀU, mẹ ngại lũ “cảnh sát nhí” phát hiện ra. Rồi cứ mỗi khi bố thư về là mẹ lại huy động lũ chúng nó cùng viết thư gửi bố. Những nét chữ nguệch ngoạc, to đùng toàn chuyện học hành, tình hình lợn gà, vườn rau ở nhà gửi đến bố đều đều. Mỗi chiều thứ 7, khi bố thông báo sẽ đi công tác về, 4 mẹ con lôi nhau ra gốc nhãn, ngồi trên ghế đá hát hò đủ kiểu để chờ bố. Những tháng ngày ấy đã làm cho tâm hồn nó thêm nhạy cảm, biết trân quý những thứ bình dị, rèn cho nó một trách nhiệm bất thành văn với gia đình, với những người mà nó yêu quý.

Lớp 12, nó không được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi toàn quốc, dù nó đã vô cùng nỗ lực cố gắng. Nó khóc, viết thư xin lỗi bố mẹ. Bố đang ở Thủy điện Yaly, viết thư về bảo nó: Không buồn con nhé! Mục tiêu chính là vào đại học mà. Bố mẹ đã thiệt thòi vì học hành ít bằng cấp, con phải cố gắng vào đại học “thay” bố mẹ. Nó thoát khỏi sự khủng hoảng và làm được điều bố mẹ mong đợi.

Những năm tháng ra trường đi làm, chuyện trên trời dưới biển gì nó cũng về tâm sự với bố mẹ, bàn bạc với bố mẹ, giống như nó có một bộ tham mưu đồng hành cực kỳ hoành tráng. Những thứ nó làm được cho tới bây giờ đều gắn với những câu chuyện mà nó tâm sự cùng bố mẹ, được bố mẹ chia sẻ.

Giờ thấy bố mẹ đầu đã bạc, nhưng vẫn lăn lộn với cuộc sống, lo lắng cho gia đình, ông bà, con cháu, anh em, nó thấy mình còn nhỏ bé, còn phải cố gắng nhiều.

Với nó, bố mẹ là những người thầy tuyệt vời nhất!

Tặng bố mẹ Nghiêm Xuân TrườngPhùng Thu và các em Xuân Nghiêm & Duy Hiển

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Scroll to top