Bài phát biểu của Viện sỹ Chu Kỳ Phượng – (nguyên?) Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh tại Hội nghị Hiệu trưởng 4 trường ĐH Đông Á (BESETOHA) năm 2012.
Bài viết tuy dài nhưng cực kỳ thú vị, để nhìn thấy sứ mệnh lớn lao của trường ĐH, để thấy trường ĐH đâu chỉ là đào tạo, là ISI/Scopus. Tên nguyên bản của bài viết là: “TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẢI GÁNH VÁC SỨ MỆNH LỊCH SỬ PHÁT HUY TINH THẦN KHOA HỌC TRONG TOÀN XÃ HỘI”
Trước hết, tôi xin được thay mặt Đại học Bắc Kinh gửi đến các vị khách quý tham dự “Diễn đàn Hiệu trưởng bốn trường đại học khu vực Đông Á” (BESETOHA) lời chào mừng nồng nhiệt nhất. Chủ đề của diễn đàn lần này là “Tác động của khoa học công nghệ đến điều kiện sống của con người và sự phát triển xã hội”. Chủ đề này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc xác định phương hướng phát triển của các trường đại học, cũng như tư duy hơn nữa vai trò dẫn đường của trường đại học trong tiến trình phát triển của nhân loại. Tôi cho rằng, trong điều kiện lịch sử mà thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, văn hóa đa nguyên hóa trước mắt, các trường đại học lớn trong khu vực Đông Á phải gánh vác sứ mệnh lịch sử phát huy tinh thần khoa học trong toàn xã hội.
Mối quan hệ giữa khoa học công nghệ và sự phát triển của xã hội nhân loại là gì, đây là một mệnh đề vừa truyền thống lại vừa thịnh hành. Truyền thống là bởi từ cuộc cách mạng khoa học những thế kỷ 16, 17 đến nay, khoa học công nghệ đã thay đổi sâu sắc tiến trình lịch sử của xã hội nhân loại. Từ những lúc đó, bất kể là sự phát triển trong lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội hay văn hóa, đều chịu sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ ở những mức độ khác nhau. 500 năm gần đây, rất nhiều những nhà khoa học tự nhiên, học giả nhân văn, lãnh tụ chính trị và nhà hoạt động xã hội, đều suy nghĩ ở những góc độ riêng khác nhau về mối quan hệ giữa khoa học công nghệ và sự phát triển của xã hội nhân loại. Thịnh hành là bởi hiện nay chúng ta đã bước vào thời đại của sự cởi mở và bao dung. Thảo luận về khoa học công nghệ đã mở rộng từ tầng lớp tinh hoa trong xã hội đến sự tham gia của toàn thể công dân. Thái độ trước khoa học công nghệ thay đổi từ chỉ biết tôn sùng đến vừa tán đồng vừa phê phán. Hiểu biết về một số vấn đề khoa học công nghệ càng dấy nên bầu không khí tranh luận chung của toàn xã hội. Trong hoàn cảnh đó, những vấn đề mà đã được kết luận trong quá khứ, đều cần tư duy và khảo sát lại. Thậm chí, chúng ta có thể nói, trong xã hội hiện đại, sự ảnh hưởng đối với xã hội của thảo luận một vài vấn đề khoa học công nghệ, đã trở thành một thứ mốt thời thượng.
Tin tưởng rằng, rất nhiều bạn đồng nghiệp có mặt ở đây đều có chung một cảm nhận với tôi. Đó là mấy chục năm trở lại đây, một mặt điều kiện để bước vào cộng đồng chung khoa học ngày càng cao. Rất nhiều học sinh, kể cả nghiên cứu sinh tiến sỹ đã tốt nghiệp, cũng chưa chắc đã có cơ hội tiếp cận với những vấn đề khoa học tuyến đầu. Một mặt khác, điều kiện tham gia vào thảo luận xã hội về khoa học ngày càng thấp đi. Rất nhiều người dù chưa từng học qua những kiến thức khoa học cơ bản nhất, đều có thể thông qua truyền thông bày tỏ ý kiến. Rất nhiều vấn đề khoa học công nghệ, mấy chục năm trước chỉ có thể được đưa ra thảo luận trong một nhóm nhỏ mấy chục con người, nhưng ngày nay có thể được đưa lên truyền thông công cộng để mấy trăm ngàn con người cùng nhau thẩm xét. Căn nguyên của sự thay đổi này là sự phát triển kinh tế và tiến bộ kỹ thuật dẫn đến sự thay đổi của hình thái xã hội. Trong gần 100 năm trở lại đây, nhận thức của nhân loại về khoa học công nghệ đã diễn ra 3 lần chuyển biến quan trọng: lần thứ nhất là hai cuộc chiến tranh thế giới nửa trước thế kỷ 20, khiến chúng ta nhận ra khoa học công nghệ không chỉ đem đến sự tiến bộ, còn có thể gây ra thảm họa toàn nhân loại, vì vậy con người cần suy nghĩ lại về sự phát triển của khoa học công nghệ. Lần thứ hai là từ thập niên 50 đến 70 của thế kỷ 20, hàng loạt thành tựu khoa học vĩ đại, mà điển hình là năng lượng nguyên tử và kỹ thuật hàng không vũ trụ, đã thôi thúc sự ủng hộ của dân chúng với sự nghiệp khoa học kỹ thuật. Nhưng, nó đồng thời cũng khiến con người bắt đầu suy nghĩ đến việc làm thế nào để điều hòa sự phát triển khoa học công nghệ và tiến bộ tổng hợp của xã hội. Lần thứ ba là từ thập niên 80 của thể kỷ 20 đến nay, cùng với sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, sức ảnh hưởng của khoa học công nghệ ngày càng sâu rộng. Mỗi giây phút trong cuộc sống, công việc, học tập của con người, đều sản sinh mối quan hệ nào đó với khoa học công nghệ hiên đại. Điều này đã đưa chúng ta vào thời đại mới mà toàn dân tham gia vào khoa học công nghệ.
Chính bởi sự phát triển khoa học công nghệ có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sông của mỗi con người, vì vậy mỗi một công dân đều mong muốn biểu đạt quan điểm cá nhân. Đứng trước tình trạng này, là những nhà quản lý đại học, chúng ta không thể dùng con mắt của chủ nghĩ duy khoa học để tư duy vấn đề, cho rằng không có sự hiểu biết sâu sắc về khoa học thì không có quyền phát ngôn. Điều nên làm là kích thích sự nhiệt tình tham gia khoa học của công chúng, dẫn dắt xã hội đi theo một phương hướng tiến bộ tích cực. Để trở thành một công dân tiêu chuẩn của xã hội hiện đại, có thể không có đủ kiến thức khoa học, nhưng không thể thiếu tinh thần khoa học. Trường đại học sở dĩ được tôn sùng, trên một góc độ nào đó là bởi thành viên của nó là những người dẫn đường tinh thần khoa học toàn xã hội.
Như chúng ta đã biết, “khoa học” là một từ gốc phương Tây, nguồn gốc có thể truy đến thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Tinh thần khoa học nhấn mạnh nhất đến tự do phê bình, tư duy biện chứng lý tính và khát vọng tìm đến chân lý. Phương pháp khoa học chủ yếu có suy luận diễn dịch, chứng thực quy nạp. Tinh thần khoa học và phương pháp khoa học là kết quả của quá trình văn minh Tây phương kinh qua 2000 năm, dần dần được xã hội chấp nhận. Còn trong xã hội Đông Á, chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Nho giáo, vốn không tồn tại khái niệm tương tự với khái niệm “khoa học” ngày nay. Từ “khoa học” trong tiếng Hán hiện đại tuy được ngẫu nhiên sử dụng trong tư liệu cổ, nhưng đại đa số là chỉ “sự học khoa cử”, là một khái niệm khác với “khoa học” của phương Tây. Trong sách “Lễ ký” và “Đại học” có cách biểu đạt “Trí tri tại cách vật”, nhấn mạnh nhu cầu tìm tận gốc của vấn đề và khát vọng tri thức. Khái niệm này ở một góc độ nào đó, có ý nghĩa tương đồng với “khoa học”, nhưng cũng không thể phản ánh hết được thực chất tinh thần của khoa học. Chỉ sau khi nền học thuật phương Tây được truyền bá sang phương Đông, khái niệm khoa học mới bắt đầu được truyền bá ở các nước Đông Á. Từ “khoa học” trong hàm nghĩa hiện đại, chỉ được du nhập vào Trung Quốc vào giai đoạn giao thời giữa thế kỷ 19 và 20. Đại đa số học giả nhận định rằng việc sử dụng từ “khoa học” là mượn cách dịch của học giả Nhật Bản với từ “Science”. Điều này là một biểu tượng rất có ý nghĩa về sự giao lưu học thuật giữa các nước Đông Á thời kỳ đó.
Đại học Bắc Kinh rất may mắn vì đã phát huy tác dụng quan trọng trong tiến trình đưa khái niệm “khoa học” vào Trung Quốc và khiến cho toàn xã hội chấp nhận. Hiện nay, giới học thuật còn tồn tại tranh luận về việc ai là người đầu tiên đưa cách dịch “khoa học” vào Trung Quốc. Nhưng điều không phải bàn cãi gì là những người có mối liên hệ mật thiết với Đại học Bắc Kinh như: Khang Hữu Vi, Nghiêm Phục, Vương Quốc Duy, đã phát huy vai trò quan trọng trong việc đưa khái niệm “khoa học” vào Trung Quốc. Khang Hữu Vi là chính trị gia và nhà tư tưởng quan trọng trong lịch sử cận đại Trung Quốc, phát huy vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc “Biến pháp Mậu Tuất” năm 1898. “Kinh sư đại học đường”, tiền thân của Đại học Bắc Kinh là sản phẩm của cuộc biến pháp này. Lịch sử của Đại học Bắc Kinh có thể được bắt đầu tính từ năm 1898. Nghiêm Phục là nhà tư tưởng cận đại nổi tiếng của Trung Quốc, là hiệu trưởng đầu tiên của trường Kinh sư đại học đường khi đổi tên thành Đại học Bắc Kinh. Chính ông là người đã dịch sang tiếng Trung cuốn sách “Thuyết tiến hóa và luân lý học” (Evolution and Ethics) của Huxley, khiến cho thuyết tiến hóa có sức ảnh hưởng vô cùng lớn ở Trung Quốc. Vương Quốc Duy là bậc đại sư quốc học, có nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực văn học, mỹ học, sử học, triết học, văn tự cổ, khảo cổ học, từng là giáo sư hướng dẫn của khoa Triết học, Đại học Bắc Kinh.
Cuộc vận động văn hóa mới năm 1915 – 1919 là điểm chuyển biến của xã hội và văn hóa Trung Quốc phát triển từ truyền thống sang hiện đại. Cũng chính trong giai đoạn này, khái niệm “khoa học” nhanh chóng được xã hội Trung Quốc chấp nhận. Đại học Bắc Kinh là trận địa chính của cuộc vận động, chính người Bắc Đại là những người đầu tiên coi “khoa học” và “dân chủ” là hai trụ cột tinh thần chính dẫn dắt bản thân bước vào tiến trình tiến bộ, thậm chí là cho đến ngày hôm nay. Trần Độc Tú, người từng du học ở Nhật, sau này đảm nhận chủ nhiệm khoa Văn, Đại học Bắc Kinh, một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từng viết trên tờ “Tân Thanh Niên” ngày 15/1/1919, xưng dân chủ và khoa học là “ông Đức” (democracy) và “ông Sai” (science). Khái niệm khoa học và dân chủ tạo ra sức ảnh hưởng mang tính lật đổ với chế độ và văn hóa cũ thịnh hành ở Trung Quốc hàng ngàn năm. Trần Độc Tú từng nói: “Nếu như ủng hộ ông Đức, thì phải phản đối Khổng giáo, lễ pháp, trinh tiết, luấn lý cũ, chính trị cũ. Nếu muốn có ông Sai, thì phải phản đối nghệ thuật cũ, tôn giáo cũ.”
Thời gian thấm thoát con thoi, gần 100 năm đã trôi qua. Trung Quốc và toàn khu vực Đông Á ngày nay, khái niệm khoa học đã trở nên quen thuộc với mọi người mọi nhà. Sự phát triển của khoa học có bước tiến lịch sử. Ngày hôm nay, bất kể là ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam, từ góc độ chính phủ đến xã hội, đều coi thúc đẩy phát triển khoa học là chiến lược phát triển quốc gia quan trọng. Công tác nghiên cứu của nhà trường đại học và cơ quan nghiên cứu không ngừng được tăng cường, hoạt động nghiên cứu của doanh nghiệp tiến bộ nhanh chóng, công tác giáo dục và phổ cập khoa học có thành tích to lớn, sự tham gia vào khoa học công nghệ của quần chúng ngày càng mở rộng. Tất cả những điều này đều tỏ rõ một tương lai đầy hy vọng trước mắt.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng và tiến bộ xã hội toàn diện của Trung Quốc, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc, đã đón đến thời kỳ cơ hội chiến lược ngày càng hưng vượng. Chỉ lấy Đại học Bắc Kinh làm ví dụ, từ năm 2004 đến 2011, Đại học Bắc Kinh trước nhu cầu to lớn của phát triển kinh tế và xã hội, thông qua tích cực tham gia vào các hạng mục cơ sở, tuyến đầu và chiến lược của quốc gia, kinh phí nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, công trình, y học nâng cao từ 400 triệu đến 2 tỷ NDT. Số lượng luận văn SCI mà tác giả đầu hoặc người tổng phụ trách là Đại học Bắc Kinh tăng từ 1600 đến 3000 bài viết, chỉ số ảnh hưởng bình quân tăng từ 1.8 đến 3.4. Đại học Bắc Kinh đã xây dựng mới 5 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia, 23 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ Giáo dục và thành phố Bắc Kinh (Hiện nay, Đại học Bắc Kinh có 17 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia, 44 trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp tỉnh và cấp bộ). Đồng thời, chúng tôi cũng đã thành lập một loạt trung tâm học thuật có trình độ nghiên cứu thuộc tuyến một trên thế giới, như: Viện nghiên cứu Kavli về Thiên văn và Vật lý thiên thể, Trung tâm nghiên cứu toán học quốc tế Bắc Kinh, Viện nghiên cứu Não Đại học Bắc Kinh – IDG.
Để khen thưởng cho những đột phá quan trọng trong khoa học công nghệ tuyến đầu đương đại, hoặc những đóng góp xây dựng kiệt xuất trong phát triển khoa học công nghệ; những công dân và tổ chức có đóng góp tạo ra hiệu ích kinh tế hoặc xã hội trong việc sáng tạo, chuyển hóa thành quả khoa học công nghệ và sản nghiệp hóa kỹ thuật cao, Quốc vụ viên Trung Quốc đã thiết lập Giải thưởng khoa học công nghệ tối cao quốc gia. Viện sỹ Từ Quang Hiến thuộc Học viện Hóa học và Công trình phân tử, Đại học Bắc Kinh, năm 2008 đã được trao giải thưởng trên, và là người thứ hai của Đại học Bắc Kinh nhận giải thưởng danh giá này,sau Viện sỹ Vương Tuyển. Kể từ khi Giải thưởng khoa học công nghệ tối cao quốc gia thành lập đến nay, có 9 người là Giáo sư hoặc đã tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh được ban tặng, cụ thể là: Viện sỹ Vương Tuyển, Viện sỹ Ngô Văn Tuấn, Viện sỹ Hoàng Côn, Viện sỹ Diệp Đốc Chính, Viện sỹ Lưu Đông Sinh, Viện sỹ Ngô Chinh Dật, Viện sỹ Từ Quang Hiến, Viện sỹ Vương Trung Thành, Viện sỹ Tạ Gia Lân. Ngoài ra, trong giai đoạn năm 2004 – 2011, Đại học Bắc Kinh với tư cách là đơn vị hoặc đơn vị có người hoàn thành thứ nhất, giành được 18 giải thưởng khoa học tự nhiên quốc gia, 4 giải thưởng phát minh kỹ thuật quốc gia, 11 giải thưởng tiến bộ khoa học công nghệ quốc gia. Điều này thể hiện được thực lực nghiên cứu và năng lực sáng tạo hùng hậu của Đại học Bắc Kinh.
Hàng loạt thành quả trên, không chỉ tiếp thêm cho chúng tôi sự tự tin, mà còn càng khiến cho chúng tôi phải suy nghĩ tiếp về tinh thần khoa học và sứ mệnh của trường đại học. Trường đại học cùng với việc thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để thúc đẩy sự tích lũy của cải vật chất, lại vừa thông qua việc nên cao tinh thần khoa học thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người và sự hài hòa của xã hội. Để đạt được hai mục đích trên, chúng ta những trường đại học có sức ảnh hưởng lớn trong nước mình, cần phải thử nghiệm cải tiển công việc của bản thân trên ba phương diện sau.
Thứ nhất là tiếp tục tăng cường kiến thiết các ngành khoa học của bản thân, nâng cao sức ảnh hưởng học thuật của các lĩnh vực khoa học. Tăng cường xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học, có quyền phát ngôn học thuật và sức ảnh hưởng xã hội trên những vấn đề khoa học công nghệ to lớn. Đây là nền tảng để một trường đại học có thể phát huy tinh thần khoa học trong toàn xã hội. Trước mắt, trình độ nghiên cứu khoa học càng ngày càng trở thành tiêu chí căn bản trong việc đánh giá thực lực tổng hợp của một trường đại học. Để trở thành một trường đại học hàng đầu thế giới, phải đạt đến trình độ hàng đầu, thậm chí là dẫn đầu trong một vài ngành khoa học, đặc biệt là lĩnh vực mà khoa học và công nghệ có liên hệ với nhau. Nói tóm lại, trước mắt trung tâm phát triển kinh tế của thế giới đang dịch chuyển về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Á đang đóng một vai trò vô cùng thiết yếu trong khu vực kinh tế mới nổi. Nhưng, trung tâm nghiên cứu khoa học vẫn dừng lại ở Âu Mỹ, trình độ nghiên cứu khoa học của khu vực Đông Á , đặc biệt là trình độ nghiên cứu khoa học cơ bản vẫn còn kém nhiều so với các nước Âu Mỹ. Chỉ nói trong phạm vi trường đại học, bốn trường đại học chúng ta ở đây có địa vị dẫn đầu trong khu vực Đông Á, nhưng nếu so sánh với các trường mạnh của các nước Âu Mỹ, thì cũng chỉ có biểu hiện nổi trội ở một số lĩnh vực nhất định, thực lực tổng thể còn yếu.Tình trạng trên không cân xứng với với địa vị quốc tế ngày càng được nâng cao của khu vực Đông Á. Vì vậy, chúng ta cần phải nắm chắc thời cơ lịch sử khi các nước Đông Á đang trỗi dậy phát triển, thúc đẩy trình độ khoa học công nghệ của nước mình lên một tầm cao mới. Để nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, ngoại trừ yêu cầu truyền thống về kinh phí và nguồn lực con người, còn phải đặc biệt coi trọng việc cải tiến hệ thống đánh giá học thuật. Tuy trường đại học chủ yếu chú trọng nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản, nhưng cũng không chỉ đơn thuần lấy số lượng và chất lượng các luận văn nghiên cứu làm tiêu chuẩn đánh giá học thuật. Điều đáng tiếc là, hiện nay các trường đại học của Trung Quốc cũng như các cơ quan nghiên cứu khác vẫn còn làm chưa tốt trên phương diện này. Tình trạng luận văn là nhất vẫn còn tồn tại phổ biến ở không ít đơn vị. Đại học Bắc Kinh chúng tôi đang tích cực nỗ lực trên phương diện này, hy vọng có thể xây dựng nên hệ thống đánh giá mang tính tổng hợp hơn. Về vấn đề này, tôi rất mong muốn có thể trao đổi ý kiến với các bạn bè đồng nghiệp ngồi đây.
Thứ hai là không ngừng nâng cao trình độ bồi dưỡng nhân tài, cung cấp cho xã hội nhiều nhân tài tố chất cao hơn nữa. Bồi dưỡng nhân tài là sứ mệnh căn bản nhất của xã hội giao phó cho trường đại học. Tôi tin rằng trong một vài năm nữa, các nhà sử học và giáo dục học sẽ khi đánh giá lại một trường đại học, sẽ coi trọng nhất trường đại học đó trong giai đoạn lịch sử nhất định đã cống hiến cho đất nước và dân tộc những nhân tài như thế nào. Đối với chúng ta, sinh viên mới hàng năm đều là những thanh niên ưu tú nhất của mỗi nước, liệu có thể khiến cho các em có được sự nâng cao toàn diện về tư tưởng, học thức và nhân cách hay không, càng có liên quan lớn đến tiền đồ vận mệnh của đất nước và xã hội. Ngày hôm nay, chúng ta thảo luận ở đây sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ với sự phát triển của xã hội. Mệnh đề này quy đến cùng chính là sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ đến con người. Chúng ta đề xướng phải hiểu tinh thần khoa học một cách đúng đắn, nêu cao toàn diện tinh thần khoa học, nói đến cùng vẫn là công tác liên quan đến con người. Chỉ có người tài mới là thể chuyển tải của tinh thần khoa học, và con đường trực tiếp và hiệu quả nhất để trường đại học nêu cao tinh thần khoa học trên toàn xã hội, chính là bồi dưỡng một lớp nhân tài ưu tú có tinh thần khoa học. Một mặt, bất kể là sinh viên học ở chuyên ngành nào, đều cần tiếp nhận giáo dục khoa học, để có thể hình thành nên trong trí não hình ảnh vĩ mô về nền khoa học công nghệ hiện đại. Một mặt khác, trong nghiên cứu học thuật, phải chú trọng để sinh viên năm được phương pháp nghiên cứu cơ bản nhất, vận dụng phương pháp khoa học để nhìn nhận, phân tích và giải quyết vấn đề. Trong đó, phương pháp khoa học đặc biệt quan trọng, bởi kiến thức luôn đổi mới không ngừng, những kiến thức học trong mấy năm đại học không thể đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của mỗi cá nhân, nhưng chỉ cần nắm được phương pháp khoa học thì có thể khiến cho bản thân không ngừng bổ sung cái mới. Là những trường đại học cởi mở và bao dung, chúng ta không thể đề xướng mỗi một người từng tiếp nhận nền giáo dục đại học đều phải lấy “sự thật khoa học” làm thước đo duy nhất để đánh giá sự vật. Ngược lại, sinh viên của chúng ta hoàn toàn có thể giữ một thái độ phê phán với nền khoa học công nghệ hiện đại. Nhưng, thái độ phê phán đó phải xây dựng trên nền tảng của lý tính và tự do, chứ không phải đơn thuần chỉ là “phản đối vì để phản đối”. Điều này chính là sự thể hiện hoàn mỹ nhất cho tinh thần khoa học.
Thứ ba là nỗ lực mở rộng mối liên hệ giao lưu giữa hoạt động nghiên cứu khoa học của trường đại học và xã hội, kéo gần lại khoảng cách giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và quần chúng. Sự ảnh hưởng của khoa học công nghệ với sự phát triển của xã hội con người là rất nhiều, nhưng không thể phủ nhận, một phương diện quan trọng nhất là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, đẩy mạnh tiến bộ xã hội, khiến công việc, học tập và đời sống của con người trở nên thuận tiện hơn. Công tác nghiên cứu khoa học của trường đại học không nên chỉ thỏa mãn với những thành quả lý luận trong phòng thí nghiệm, mà nên cùng lúc với việc bồi đắp nghiên cứu cơ bản, còn chú trọng thúc đẩy sự chuyển hóa thành quả khoa học công nghệ. Trường đại học chứ không phải là doanh nghiệp, vì vậy cố nhiên không nên lấy việc thông qua nghiên cứu khoa học để kiếm tìm lợi ích thương mại làm mục đích, nhưng cơ quan quản lý của trường đại học có thể bắc được cây cầu nối giữa cán bộ nghiên cứu và doanh nghiệp, để những cán bộ nghiên cứu có ý có thể thương mại hóa thành quả nghiên cứu. Trường đại học còn phải nỗ lực bồi dưỡng một lớp những lãnh tụ trong sản nghiệp khoa học công nghệ. Họ phổ biến là những người trẻ, tràn đầy sức sống, có tinh thần của doanh nhân, có sức ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội đặc biệt là trong thanh niên. Trong xã hội hiện đại, những nhân vật tiên phong đó, có tác dụng khuyến khích thanh niên đam mê và theo học khoa học to lớn hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử. Ông Lý Ngạn Hoằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Baidu, từng tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh, là một trong những lãnh tụ doanh nhân nổi tiếng nhất trong giới công nghệ thông tin. Sức ảnh hưởng của ông ấy có lẽ còn lớn hơn tất cả sức ảnh hưởng của các giáo sư trong lĩnh vực công nghệ thông tin của trường chúng tôi. Chúng ta không thể coi nhẹ sức ảnh hưởng này. Ngoài ra, chỉ có bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa trường đại học và công chúng xã hội, thì mới có thể giải trừ những hiểu nhầm và cách biệt giữa hai bên trên một số vấn đề khoa học công nghệ. Rất nhiều những vấn đề và mâu thuẫn là do sự trao đổi chưa thông suốt và sự bất bình đẳng trong quyền phát ngôn giữa giới khoa học công nghệ và công chúng. Điều này yêu cầu những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ phải có tấm lòng nhân văn, tránh cái nhìn đơn giản hóa, máy móc hóa, lợi ích hóa với công tác nghiên cứu của bản thân. Hoạt động khoa học công nghệ đương nhiên phải do những người có kiến thức chuyên môn chủ đạo, nhưng trong xã hội hiện đại, phương hướng phát triển của khoa học công nghệ đã không còn có thể chỉ do nhân viên khoa học công nghệ quyết định một mình. Khi xã hội của chúng ta phát triển đến giai đoạn hậu hiện đại, sức ảnh hưởng của một công trình khoa học đến tinh thần và quan niệm của con người, còn quan trọng hơn bản thân thành quả khoa học đó. Nói một cách khác, trường đại học liệu có thể thúc đẩy để tinh thần khoa học được cả xã hội phổ biến chấp nhận hay không, cũng sẽ quan hệ trực tiếp đến tương lai phát triển của công tác nghiên cứu khoa học.
Kính thưa các vị khách quý, các bạn đồng nghiệp:
Trung Quốc có một cách nói thịnh hành là: “Không phá bỏ, thì không xây dựng, phá bỏ rồi mới xây dựng”. Đây là một mối quan hệ biên chứng triết học rất thú vị. Ở một khía cạnh nào đó, chính sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã phá vỡ bộ khung cơ bản của xã hội truyền thống, thúc đẩy nhân loại bước vào văn minh hiện đại, từ một xã hội đơn nhất phát triển đến một xã hội đa nguyên hóa. Thế nhưng, trong giai đoạn chuyển tiếp của sự phát triển lịch sử xã hội, chúng ta cần chuyển từ “phá bỏ” sang “xây dựng”, nỗ lực tìm ra phương thức bổ trợ hài hòa lẫn nhau giữa tiến bộ khoa học công nghệ và sự phát triển của xã hội loài người. Trong khu vực Đông Á ngày nay, sứ mệnh lịch sử vinh quang này đang nằm trong tay chúng ta.
Rất hy vọng có thể tiếp nhận những ý kiến bổ ích của mọi người tham gia diễn đàn hôm nay. Cuối cùng, xin chúc “Diễn đàn hiệu trưởng bốn trường đại học khu vực Đông Á” thành công tốt đẹp.