Giảng dạy – học tập là câu chuyện giữa thầy và trò, trong đó sự trưởng thành/tiến bộ về tri thức, kỹ năng, thái độ sống và làm việc của người học là mục tiêu tối thượng.
Như vậy, cốt lõi của đổi mới giảng dạy là đổi mới phương pháp, còn công cụ (công nghệ, máy móc, MOOC, mô phỏng …) sẽ đến sau tuỳ theo thực tiễn nhu cầu của người dạy và người học (tức là phương pháp dạy và học). Có cảm giác trong bối cảnh rộn ràng của Công nghiệp 4.0, nhiều trường ĐH đang quan tâm quá nhiều tới phát triển công cụ mà chưa quan tâm đúng mức đến đổi mới, hoàn thiện hệ thống phương pháp.
Các trường ĐH nên chăng cần thường xuyên có sự hỗ trợ giảng viên thay đổi, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương pháp nghiên cứu và công bố theo tiếp cận quốc tế, bổ sung kiến thức về xây dựng và thiết kế bài giảng. Một nhà chuyên môn phải có hoặc được trang bị những thứ ấy mới thực hiện tốt được sứ mệnh của một nhà giáo. Những cái đấy không cần cơ sở vật chất cao siêu gì, nhưng có thể tạo ra chất lượng đào tạo và sự phát triển bền vững.
Cách đây khoảng 15-20 năm, ở Việt Nam đâu đâu cũng thấy tin học hóa, và có hiện tượng phổ biến là máy tính được mua và trang bị khắp nơi, nhưng chủ yếu dùng để chơi lines và lướt web.
Ở thời điểm hiện tại, những quan niệm/”mệnh đề” dưới đây cần phải được tỉnh táo xử lý:
1. Máy móc nhiều, phòng học hiện đại sẽ cho chất lượng giảng dạy và học tập tốt: Đúng, nhưng chưa trúng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu: giảng viên không biết làm thế nào để cải tiến chất lượng giảng dạy thông qua công nghệ; giảng viên không có nhu cầu sử dụng công nghệ; giảng viên không biết sử dụng công nghệ; giảng viên lạm dụng công nghệ để giảm tương tác với người học?
2. MOOC, e-learning, … sẽ nâng cao hiệu quả đào tạo: Đúng, nhưng chưa đủ. Nếu lựa chọn giữa học tập trực tiếp, tương tác người – người, trao nhận cảm xúc với học online qua mạng thì cái nào tác động hiệu quả hơn đối với sự TRƯỞNG THÀNH về kỹ năng và hành vi của người học? Nếu thầy cô có phương pháp giảng dạy tốt, tri thức phong phú thì người học phần nhiều sẽ lựa chọn học face-to-face thay vì online. Đâu đó đang nói đến “thế hệ cúi đầu” khi ai cũng chỉ cắm đầu vào điện thoại và máy tính mà quên mất các mối quan hệ, tương tác trong đời sống thực.
3. Thư viện hiện đại, học liệu đa dạng, phong phú, số lượng lớn sẽ nâng cao chất lượng đào tạo: đây mới là mệnh đề 1 chiều. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả thầy và trò không cần đến với thư viện mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ dạy và học? Khi việc dạy vẫn lấy giáo trình, bài giảng của thầy là trung tâm, phương pháp kiểm tra đánh giá lấy những gì thầy dạy trên lớp và nội dung của giáo trình làm tiêu chí đánh giá duy nhất, thì liệu có cần đến với thư viện?
Bởi, nếu trong giảng dạy mà lấy khai phá vấn đề làm định hướng, việc kiểm tra đánh giá mà có điểm số dành cho sáng tạo, cho khả năng tiếp cận, xử lý thông tin thì tự khắc người học sẽ “khóc” mà đòi sách để đọc. Thư viện tự khắc sẽ nhộn nhịp và đi lùng sục học liệu phục vụ người dạy và học.
Rõ ràng, nếu xử lý (1), (2), (3) không khéo thì sẽ kéo theo một sự lãng phí khủng khiếp.