Gần 20 năm làm trong ngành giáo dục, giảng dạy và nghiên cứu, tôi vẫn một mực nể phục thầy, nhà giáo Đặng Đức Hiển, người vốn tốt nghiệp khoá 1 khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhớ lại, Thầy chẳng đọc nhiều về lí luận, chưa một lần ra nước ngoài học, cũng không đọc sách tiếng nước ngoài, Thầy vẫn làm mình kinh ngạc vì những gì đã làm. Không ngoa chút nào khi nói rằng tư duy hiện có của mình, những gì mình đã làm được bây giờ có sự ảnh hưởng quá lớn của thầy.
1. Năm 1992, tức là cách đây 26 năm, mình bước chân vào lớp 10, hệ chuyên Văn của Trường TH Chuyên ban Lê Quý Đôn – Hà Đông (lúc đó là PTTH Công nghiệp A). Ngày đầu tiên đến lớp, thầy dẫn cả lớp ra Thư viện của Tỉnh, mời cán bộ thư viện ở đó giúp cho một chầu thăm quan thư viện (Library tour) và một khoá hướng dẫn tra cứu sách tại thư viện. Thầy tuyên bố đây là lớp học thứ 2. Tất cả lũ chúng tôi được yêu cầu mỗi đứa phải có 1 cuốn sổ tay văn học, ghi chép lại toàn bộ những điều thú vị hoặc có nội dung liên quan đến các vấn đề học tập (môn Văn) trong suốt quá trình học. Hồi ấy, những classic reading của tụi tôi đã là những “Thi nhân Việt Nam”, “Thơ và mấy vấn đề về thơ Việt Nam”, “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”, “Anh hùng và nghệ sĩ”, “Nhà văn tư tưởng và phong cách”, “Suy nghĩ mới về Nam Cao”. Tôi thường xuyên mua báo Văn Nghệ của Hội nhà văn để đọc … Cơ bản là đọc cực nhiều, có suy ngẫm và ghi chép.
Vậy là món “resource based learning” mà thầy tôi áp dụng từ hơn 20 năm trước cho chúng tôi đã khiến cho niềm yêu đọc sách, tư duy giải quyết vấn để bằng luận cứ, luận chứng đã được rèn rũa từ khá sớm. Tất nhiên, khi vào đại học, trong khi các bạn khác loay hoay với thư viện thì chúng tôi đã quá thuần thục và sử dụng tối đa hiệu quả thư viện.
2. Việc dạy-học trên lớp chủ yếu tương tác, thầy không bao giờ đọc cho để chép, viết chữ lên bảng cũng rất ít, còn chúng tôi thì tự ghi chép rất nhiều. Chúng tôi không bao giờ học một tác phẩm mà chỉ nói về tác phẩm đó, thay vào đó, tất cả bối cảnh, các câu chuyện đằng sau các tác phẩm được thầy đem đến theo những cách cực kỳ sinh động (quên chưa nói là thầy rất rất hài hước). Các ví dụ minh hoạ bài giảng rất phong phú và đa dạng. Nói thêm, làm giáo viên dạy Văn nhưng thầy tham gia rất sâu vào đời sống văn học. Thầy là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch thực thụ (tác giả bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” quen thuộc trong sách giáo khoa tiểu học ngày trước), ngoài ra viết phê bình văn học cũng rất có uy tín. Thời ấy, chúng tôi, lũ nhóc 16, 17 tuổi đã thuộc nằm lòng các cây đại thụ của Lý luận văn học như Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Trần Đình Sử, Phan Cự Đệ …, đồng thời thường xuyên được nghe các nhà thơ, nhà văn có tiếng nói chuyện như Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa … nói chuyện. Chúng tôi được sống trong một môi trường thấm đẫm “chất Văn”.
Cái tư duy phản biện, niềm yêu thích học hỏi, tìm tòi cái mới, cái độc đáo của chúng tôi có lẽ cũng từ một dạng “project-based learning” đấy mà ra.
3. Việc kiểm tra đánh giá của thầy lại càng độc đáo ở thời điểm đó. Một trong những đặc sản mà chúng tôi vừa háo hức, vừa lo lắng khi tiếp nhận nó là viết CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC. Mỗi học kỳ chúng tôi phải viết khoảng 2-3 chuyên đề (hay bây giờ gọi là Tiểu luận), trung bình mỗi chuyên đề khoảng 10-15 trang viết tay (chưa có máy tính). Mỗi một phần nội dung của SGK (vd Văn học trung đại ..) thầy đều phân bổ thành các chuyên đề khác nhau và yêu cầu chúng tôi viết. Lớp tôi 29 đứa nhận 29 đề tài khác nhau cho mỗi khối kiến thức. Có những nhóm chuyên đề rất sâu như chuyên đề về Truyện Kiểu, chuyên đề về thơ Nguyễn Khuyến, Văn học hiện thực phê phán, Thơ mới, Nam Cao … Sau khi nhận đề tài, chúng tôi có mấy tuần để đọc, viết và gửi lại để thầy chấm. “Cày” chuyên đề quả là một niềm yêu thích nhưng cũng khá vất vả, vì phải đọc rất nhiều (đi thư viện nhiều) và viết đi viết lại rất nhiều (làm gì có máy tính để gõ). Từ hồi ấy chúng tôi đã biết và lưu ý đến vấn đề trích dẫn trong bài, cách dẫn dắt nội dung trong phân tích, bình luận văn học. Quả thật, khối lượng học tập của chúng tôi khá lớn, đến mức khó mà học tốt được tất cả các môn (trừ mấy đứa siêu nhân không chấp 😀 ).
Tư duy hệ thống, phương pháp nghiên cứu là những thứ chúng tôi đã được thực hành từ khá sớm, việc viết lách quả thực là thứ yêu thích của chúng tôi. Đến bây giờ vẫn vậy.
4. Thầy gắn bó với chúng tôi bằng sự ân cần, chi tiết, và hiểu rõ từng đứa (về tính cách, về thế mạnh). Việc giao đề tài cũng theo cách này. Cách động viên, khuyến khích học tập cũng tuỳ theo từng đứa. Không điểm danh, không kiểm tra học thuộc. Sơ khởi của personalized learning là đây, no?
Thầy tôi bây giờ vẫn ríu rít yêu đời. Viết sách và làm thơ, tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật. Chúng tôi, giờ mỗi đứa mỗi nghề, mỗi lần gặp thầy vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện dạy văn, làm văn mà thầy luôn tâm đắc. Chỉ mong thầy còn khoẻ mạnh dài dài, để mỗi lần gặp lại chúng tôi được trở về thời thơ trẻ của mình, được gặp lại “chất Văn” quen thuộc vốn đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi đứa.