Về xếp hạng đại học

Mấy hôm nay báo chí và dư luận nói nhiều về vấn đề xếp hạng của các trường ĐH ở Việt Nam trong Bảng xếp hạng (BXH) Times Higher Education (THE). Tôi đã có 1 số trả lời báo chí về vấn đề này. Tuy nhiên, xin được tập trung lại 1 số ý dưới đây.

1. Tại sao lại không có trường nào “vào” BXH THE?

Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan là trường ĐH không gửi dữ liệu cho THE để tham gia xếp hạng (nôm na là “không dự thi”), do vậy THE không có cách nào xếp hạng được cho trường đại học. Còn khách quan là có gửi dữ liệu nhưng không đủ điều kiện xếp hạng (hay còn gọi “dự thi nhưng không đạt điểm chuẩn”).

Trường hợp BXH THE châu Á vừa rồi tôi cho rằng liên quan nhiều hơn đến việc chưa gửi dữ liệu. Chuẩn bị dữ liệu cho THE phức tạp và cầu kỳ hơn QS, nhất là khoản thống kê thu nhập từ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức. Năm tài chính ở VN kết thúc vào cuối năm, khiến cho việc tổng hợp dữ liệu tài chính có những độ trễ so với deadline nộp dữ liệu cho THE.

Nguyên nhân chủ quan sẽ nói ở mục (2) ngay sau đây.

2. Không vào BXH có sao không?

Ở góc độ toàn hệ thống thì việc một quốc gia không có đại diện nào trong một BXH tương đối có uy tín như THE thì kể cũng đáng suy ngẫm. Nhưng cái gì cũng cần có quá trình của nó, và những đặc thù của cơ chế, của hệ thống, của văn hóa quản lý, giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến việc này (xem phân tích ở mục 3 phía dưới). Tuy nhiên, phải khẳng định: BXH đại học là xếp hạng các trường ĐH, không phải là bảng xếp hạng chất lượng các nền giáo dục. Không nên dùng việc vắng bóng đại diện trong BXH để kết luận về chất lượng của nền giáo dục.

Ở góc độ cơ sở giáo dục đại học, tham gia một Bảng xếp hạng ĐH (có uy tín) là cần thiết, giúp trường định vị bản thân và đối sánh chất lượng trên bình diện quốc tế, đồng thời cũng được hưởng lợi từ các giá trị truyền thông mà vị trí xếp hạng mang lại. Nếu trường ĐH đã đặt ra mục tiêu là phải có mặt trong BXH THE châu Á 2019, rồi cuối cùng không có mặt đó, thì rõ ràng đó là vấn đề: đặt ra mục tiêu mà không làm được.

Tuy nhiên, việc tham gia BXH nào lại phải cân nhắc. Vì mỗi BXH lại có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng, hướng vào một phân khúc riêng, với một mục tiêu và triết lý riêng. Một trường ĐH có thể đứng đầu ở BXH này nhưng có thể đứng ở những vị trí thấp hơn nhiều ở BXH khác, đó là điều bình thường. Và việc lựa chọn tham gia BXH nào hoàn toàn là quyền của trường ĐH. Nhắc lại nguyên tắc: không có dữ liệu gửi đi, không có xếp hạng.

Ở thời điểm này, có thể nói, BXH THE chưa thực sự phù hợp với định hướng phát triển và các cơ chế liên quan đến hoạt động của các trường đại học tại Việt Nam. Nút thắt là gì thì xin đọc tiếp mục 3 ngay dưới đây.

3. Đâu là nút thắt cho vấn đề xếp hạng THE?

Mặc dù BXH THE và BXH QS có chung gốc ban đầu, nhưng tiếp cận của 2 BXH này có những điểm khác biệt khá lớn.

Điểm nổi bật mà THE lựa chọn tiêu chí xếp hạng đó là vấn đề thu nhập (income) của trường đại học. Xem hình minh họa về các tiêu chí của THE châu Á dưới đây

Ở nhóm tiêu chí liên quan đến hoạt động giảng dạy/đào tạo, THE đặt trọng số về thu nhập (institutional income) là 2,5% tổng trọng số xếp hạng.

Ở nhóm tiêu chí liên quan đến hoạt động nghiên cứu, THE sử dụng 7,5% trọng số cho tiêu chí Thu nhập từ nghiên cứu (research income).

THE dành riêng một nhóm tiêu chí liên quan đến Thu nhập từ doanh nghiệp và xã hội (industry), không tính ngân sách, trong hoạt động chuyển giao tri thức, gọi là thu nhập từ chuyển giao tri thức (knowledge transfer).

Như vậy, riêng món tài chính này chiếm 17,5% trong tổng trọng số xếp hạng. Ngoài câu chuyện về chỉ số trích dẫn, công bố quốc tế, thì đây chính là nút thắt lớn của câu chuyện.

Vậy giải quyết vấn đề này như thế nào, khi mà:

– Các trường công lập chủ yếu sống bằng ngân sách? Lưu ý: THE không tính ngân sách là income của trường ĐH.

– Các GS, PGS của các trường ĐH không có trách nhiệm (như một yêu cầu của vị trí việc làm) về việc khai thác đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tri thức? (Trong khi đó, chuyện này phổ biến như thế nào ở các trường đại học phương Tây chắc không cần phải kể).

Thật ra đã có lời giải cho chuyện này, đó là vấn đề tự chủ đại học (1). Tự chủ đại học để:

– Các trường chủ động trong chiến lược phát triển, nâng cao mức độ thích ứng với thị trường, xã hôi, qua đó thu hút được đầu tư ngoài ngân sách tốt hơn.

– Các trường tự chủ trong chính sách chiêu hiền đãi sĩ, thiết lập định mức lao động cho các vị trí có uy tín học thuật cao. Qua đó, các GS, PGS sẽ không chỉ đóng góp cho sự gia tăng công bố quốc tế, mà còn thực sự trở thành những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư xã hội cho nghiên cứu và chuyển giao. Trường ĐH vì thế mà được hưởng lợi, không chỉ cho xếp hạng, mà quan trọng là cho sự phát triển bền vững của nhà trường.

– Các trường tự chủ trong đào tạo, tuyển sinh, mức học phí, qua đó đa dạng hóa nguồn đầu vào, đa dạng hóa được nguồn lực tài chính cho phát triển.

Cho đến khi nào Tự chủ đại học được triển khai rộng rãi, hiệu quả, thì việc có nhiều gương mặt của VN trong các BXH quốc tế, đặc biệt là THE, không còn là điều xa vời.

3 đến 5 năm nữa chăng? Perhaps 🙂

——————————————————–

(1) Không được nhầm lẫn Tự chủ đại học với việc:
– Nhà nước buông bỏ đầu tư thường xuyên cho trường đại học
– Trường đại học thích làm gì thì làm

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Scroll to top