GDVN- TS Nghiêm Xuân Huy: “Hoạt động kiểm định mới tập trung chủ yếu vào các điều kiện đảm bảo chất lượng mà chưa đánh giá đầy đủ được chất lượng sản phẩm đầu ra”.
Kiểm định chất lượng là một trong những công việc quan trọng giúp cơ sở giáo dục đại học cải tiến chất lượng hoạt động cũng như thể hiện trách nhiệm giải trình của mình trong bối cảnh tự chủ hiện nay.
Thời gian qua, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã đạt được những kết quả nhất định. Song, một số ý kiến cho rằng, kiểm định chất lượng là “tốn kém” đối với các trường đại học và cần tính đến cơ chế cho các trường tự kiểm định. Một số ý kiến khác nhấn mạnh việc cần có những tiếp cận mới về bảo đảm và kiểm định chất lượng trong bối cảnh tự chủ đại học đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, nhiều trường đại học đề cập đến sự “tốn kém” của hoạt động kiểm định chất lượng? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Tôi cho rằng, để đánh giá mức độ “tốn kém” của kiểm định chất lượng, như dư luận đang trao đổi, cần xem xét bối cảnh chất lượng của mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Nếu trường đại học xem đảm bảo chất lượng là nhu cầu tự thân, xem đảm bảo chất lượng như một hoạt động thường xuyên thì việc kiểm định không còn là “nỗi lo lớn”. Khi mỗi hoạt động của trường đại học được thực hiện theo các nguyên lý đảm bảo chất lượng và thể hiện được chất lượng, thì hệ thống minh chứng phục vụ kiểm định hay tự thân chất lượng hoạt động của cơ sở giáo dục đại học cũng được hoàn thiện và nâng cao. Việc kiểm định chất lượng giáo dục lúc này giống như một đợt kiểm tra thường kỳ, và công việc của trường đại học chủ yếu là cho đoàn đánh giá thấy những gì mình làm đã đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo và kiểm định chất lượng.
Trường hợp cơ sở giáo dục không thiết lập được các điều kiện đảm bảo chất lượng phù hợp, không thực hành và nâng cao chất lượng qua mỗi công việc hằng ngày, thì việc kiểm định sẽ là một thách thức rất lớn. Sự tốn kém, nếu có, là tốn kém về thời gian, công sức để giải trình, tốn kém kinh phí để “vá víu” những lỗ hổng về chất lượng khi đối chiếu với các tiêu chuẩn chất lượng.
Đơn vị nào xây dựng được văn hóa chất lượng, thiết lập được hệ thống dữ liệu đảm bảo chất lượng đồng bộ, chuẩn hóa được quy trình quản lý hồ sơ minh chứng, có bộ máy chuyên trách về đảm bảo chất lượng đủ tốt, thì việc thực hiện kiểm định với chu kỳ 5 năm cho mỗi chương trình đào tạo không phải là một thách thức quá lớn. Sau đợt kiểm định đầu tiên, nếu các cơ sở giáo dục triệt để cải tiến chất lượng theo khuyến cáo của chuyên gia thì những lần kiểm định tiếp sau sẽ càng thuận lợi.
Thực tế, chu kỳ kiểm định 5 năm cho mỗi chương trình đào tạo hoặc mỗi cơ sở giáo dục là con số được áp dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở một số nước, chu kỳ kiểm định có thể dao động từ 3 – 10 năm, tùy thuộc vào mức độ đảm bảo chất lượng và sự phát triển của văn hóa chất lượng tại mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Như vậy, sẽ có trường hợp một chương trình đào tạo hoặc một cơ sở giáo dục phải kiểm định lại sau một thời gian ngắn (nếu chưa cho thấy tính ổn định và bền vững của chất lượng hoặc còn quá nhiều vấn đề cần giải trình). Tuy vậy, cũng có trường hợp chu trình này dài hơn 5 năm hoặc được áp dụng cơ chế tự kiểm định (thường là với những trường đại học có uy tín và truyền thống, hình thành được văn hóa chất lượng rõ rệt, thực hiện kiểm định chất lượng nhiều lần với kết quả tốt, cho thấy được sự phát triển bền vững trong nhiều năm). Đây không phải là điều quá mới mẻ trong bối cảnh giáo dục trên thế giới.
Phóng viên: Vậy làm thế nào để cơ sở giáo dục đại học vừa thực hiện được mục tiêu và tối ưu hóa nguồn lực phát triển, lại vừa đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm định chất lượng, thưa ông?
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Tôi cho rằng, điểm mấu chốt là các trường đại học cần xây dựng và phát triển được văn hóa chất lượng trong các mặt hoạt động. Để thực hiện việc này, các cơ sở giáo dục có thể tham khảo một số gợi ý sau:
Trước hết, các trường cần quan tâm thiết lập hoặc hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, áp dụng hiệu quả quy trình PDCA (Plan – Lập kế hoạch; Do – Triển khai thực hiện; Check – Kiểm tra, rà soát; Act – Thực hiện hành động cải tiến) trong các mặt hoạt động. Nếu mỗi công việc trong trường đại học được thực hiện một cách có kế hoạch, hướng đến thực hiện mục tiêu đã thiết lập, đồng thời được đánh giá, rà soát và cải tiến thì hẳn nhiên hiệu quả cũng như chất lượng hoạt động của cả trường sẽ không ngừng được nâng cao.
Thứ hai, văn hóa chất lượng còn thể hiện qua việc nhà trường phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ. Đặc biệt, văn hoá hướng đến sự xuất sắc (culture of excellence) cần được thấm nhuần trong mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên của nhà trường. Để thực hiện được điều này, ngoài chính sách đãi ngộ để thu hút tài năng, thì nhà trường cần thiết lập những tiêu chuẩn chất lượng mà mình muốn hướng đến (ở đây là sự xuất sắc) để áp dụng trong các mặt hoạt động.
Thứ ba, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý và đồng bộ hóa dữ liệu và thông tin về đảm bảo chất lượng. Tất cả những chỉ số về điều kiện đảm bảo chất lượng cần được nhà trường cập nhật, quản lý, giám sát theo thời gian thực để kịp thời nhận diện những vấn đề về chất lượng và đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm cải tiến chất lượng.
Phóng viên: Vậy theo ông, hoạt động kiểm định chất lượng cần triển khai như thế nào cho phù hợp với bối cảnh và nhu cầu phát triển mới?
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Trong một bài phỏng vấn gần đây, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận định các bộ tiêu chuẩn và hoạt động kiểm định chất lượng hiện nay của chúng ta có thiên hướng tập trung nhiều vào đánh giá các quy trình và điều kiện đảm bảo chất lượng.
Theo tôi, trong giai đoạn đầu của quá trình thiết lập nền tảng chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học thì đây là cách tiếp cận phù hợp, bởi nó đưa ra những yêu cầu, gợi ý, hướng dẫn để các cơ sở giáo dục hình thành những yếu tố cơ bản và cốt lõi của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.
Tuy vậy, sau quãng thời gian 7 năm kể từ khi ban hành Thông tư 04 (quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo) và sau đó 1 năm là Thông tư 12 (quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học), với việc đa phần các cơ sở giáo dục đã hoàn thành ít nhất 1 chu kỳ kiểm định chất lượng, thì đã đến lúc nên có những tiếp cận mới trong kiểm định chất lượng. Trong những tiếp cận đó, tiếp cận kiểm định chất lượng kết quả đầu ra (của cơ sở giáo dục đại học hoặc của chương trình đào tạo) nên được quan tâm và sớm đưa vào thực tiễn.
Thực tế, hoạt động kiểm định của chúng ta cũng đã thu thập thông tin để đánh giá sản phẩm đầu ra (thông qua việc thu thập số liệu về nghiên cứu trên các cơ sở dữ liệu công bố khoa học, dữ liệu về tài chính, chuyển giao công nghệ, dữ liệu từ phỏng vấn các bên liên quan, đặc biệt là phản hồi từ cựu sinh viên và nhà tuyển dụng). Tuy nhiên, do bản chất việc đánh giá thiên về đánh giá đầu vào (input) và quy trình (processes), nên những dữ liệu và thông tin về kết quả đầu ra (outcomes) đâu đó chưa thật phong phú và đầy đủ để có thể đánh giá một cách toàn diện chất lượng sản phẩm đầu ra.
Như chúng ta đã biết, trường đại học có 3 sứ mệnh chính là: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển, hỗ trợ cộng đồng. Do đó, theo tiếp cận kiểm định dựa trên kết quả đầu ra, cần chú trọng đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo (mức độ đáp ứng với thị trường lao động và cơ hội phát triển của sinh viên tốt nghiệp), của quá trình nghiên cứu (sự xuất sắc và giá trị thực tiễn của sản phẩm khoa học, năng lực đội ngũ nhà khoa học, nguồn lực từ chuyển giao công nghệ…), và hoạt động hỗ trợ, phát triển cộng đồng (tham gia giải quyết vấn đề xã hội và môi trường, đóng góp cho sự phát triển văn hoá, kinh tế, quốc phòng, an ninh …). Áp dụng tương tự như vậy khi chúng ta đánh giá kết quả đầu ra của chương trình đào tạo. Xét đến cùng, những nỗ lực, quy trình mà trường đại học thực hiện cần phải đem đến những kết quả tối ưu và bền vững.
Dĩ nhiên, nói là kiểm định dựa trên kết quả đầu ra không có nghĩa là xem nhẹ việc đánh giá các quy trình và điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các yếu tố của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Tuy nhiên, việc kiểm định dựa trên kết quả đầu ra sẽ cho phép các cơ sở giáo dục có nhiều sáng tạo và cách làm tối ưu trong quản trị đại học nói chung và hoạt động đảm bảo chất lượng nói riêng.
Cụ thể, việc đánh giá, kiểm định chất lượng dựa theo kết quả đầu ra có những lợi ích sau:
Một là, giúp cơ sở giáo dục tối ưu hóa nguồn lực và quy trình để tạo ra sản phẩm mà mình cam kết với xã hội. Mỗi cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo, với đặc thù về nguồn lực và điều kiện phát triển của mình, sẽ có những cách thức (quy trình) khác nhau để tạo ra sản phẩm (vốn cũng mang những yếu tố đặc thù và định hướng chiến lược của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đó).
Chưa kể, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những khái niệm như phòng thí nghiệm, không gian học tập, đội ngũ giảng viên, học liệu đang thay đổi theo hướng ảo hoá, chia sẻ và số hoá. Điều này đang từng bước thay đổi bản chất của giáo dục theo cách tiếp cận truyền thống.
Như vậy, thật khó áp dụng một bộ tiêu chuẩn (thiên về đánh giá những gì một cơ sở giáo dục đại học cần có và cần làm) để xem xét chất lượng sản phẩm đầu ra (rất riêng) của cơ sở giáo dục đại học đó.
Hai là, mặc dù không quá chú trọng vào quy trình, nhưng những phát hiện về “lỗi” trong mỗi sản phẩm đầu ra cũng sẽ chỉ ra được những “khiếm khuyết”, điểm yếu trong quy trình và nguồn lực sử dụng để tạo ra sản phẩm đó. Như vậy, tiếp cận này vẫn thực hiện được sứ mệnh của kiểm định chất lượng là chỉ ra được cách thức cải tiến và nội dung cần cải tiến để có sản phẩm đầu ra tốt.
Ba là, cách tiếp cận này sẽ tinh gọn được quy trình kiểm định, khi chủ yếu tập trung đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra (của cơ sở giáo dục đại học hoặc của chương trình đào tạo), giúp tiết kiệm được nguồn lực để thực hiện kiểm định chất lượng.
Tuy nhiên, thách thức đối với phương thức kiểm định này chính là cần một nguồn dữ liệu đủ lớn và đáng tin cậy để rà soát, đối sánh và kiểm chứng kết quả đầu ra; đồng thời cần đội ngũ chuyên gia kiểm định có năng lực chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, theo cách tiếp cận này, có thể mở rộng thêm đội ngũ kiểm định viên tới các chuyên gia là các nhà tuyển dụng hoặc những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực có liên quan. Ngoài ra, việc xây dựng bộ tiêu chí kiểm định theo tiếp cận này, đặc biệt là các tiêu chí và chỉ số đánh giá chất lượng của kết quả đầu ra, chắc chắn sẽ cần những nỗ lực rất lớn từ các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Phóng viên: Để triển khai kiểm định chất lượng theo tiếp cận này cần có những điều kiện gì, thưa ông?
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Bên cạnh việc yêu cầu, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thiết lập văn hóa chất lượng và vận hành hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm định nói chung và kiểm định chất lượng kết quả đầu ra nói riêng, cần thiết phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu quốc gia về đảm bảo chất lượng.
Cơ sở dữ liệu này vận hành giống như một cổng thông tin kết nối thông suốt với tất cả các cơ sở giáo dục đại học để cập nhật thông tin về đảm bảo chất lượng của từng trường một cách thường xuyên, đầy đủ, rõ ràng. Dữ liệu được đồng bộ là dữ liệu sơ cấp, gắn với hệ thống thông tin quản lý (MIS) của mỗi trường, và được cập nhật theo thời gian thực.
Ngoài dữ liệu về đảm bảo chất lượng đến từ các cơ sở giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia này còn có thể kết nối với các hệ thống dữ liệu tuyển sinh, dữ liệu việc làm, dữ liệu về công bố quốc tế, dữ liệu quy hoạch quốc gia … nhằm giúp các tổ chức kiểm định có thể kiểm chứng, phân tích, đối sánh trong quá trình thực hiện kiểm định chất lượng.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đảm bảo chất lượng không chỉ phục vụ công tác đánh giá, kiểm định, giám sát chất lượng của hệ thống giáo dục đại học, mà còn giúp các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục nhận diện được những nguy cơ, rủi ro trong vấn đề chất lượng. Trên cơ sở những phân tích rủi ro có được, việc cải tiến chất lượng cũng như các quyết định liên quan đến việc thực hiện kiểm định có thể được thực hiện định kỳ.
Như vậy, với cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng quốc gia, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện được cơ chế giám sát và định hướng, các tổ chức kiểm định có nguồn dữ liệu đáng tin cậy để triển khai các hoạt động chuyên môn, trong khi các cơ sở giáo dục thực hiện được trách nhiệm giải trình một cách chủ động và liên tục.
Dĩ nhiên, ngoài việc từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đảm bảo chất lượng thì cần có một lộ trình triển khai và sự chuẩn bị phù hợp. Những giá trị tích cực của tiếp cận kiểm định chất lượng hiện nay vẫn nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh văn hoá chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa thực sự phát triển. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu ngay thì việc thực hiện tiếp cận kiểm định theo kết quả đầu ra sẽ còn xa vời.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy!
Phạm Minh (thực hiện)